Dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra các triệu chứng sốt, ho, viêm phổi cấp, suy hô hấp cấp, thậm chí tử vong đến nay vẫn đang gây căng thẳng trên toàn cầu. Có hay không cách điều trị Covid-19? Biện pháp phòng chống Covid-19 hiện nay là gì? Ngay khi có dấu hiệu Covid nên làm gì?… là những thắc mắc được rất nhiều người quan tâm. Cùng PKĐK Tâm Bình An tìm hiểu thêm qua bài viết sau nhé!
12 Lời Khuyên Giúp Bạn Tránh “Chạm Mặt” Virus SARS-CoV-2
-
Rửa tay thường xuyên và cẩn thận
Sử dụng nước ấm và dùng xà phòng rửa tay trong ít nhất 30 giây. Xoa cho bọt xà phòng từ vị trí cổ tay, các kẽ ngón tay và dưới móng tay. Xà phòng sẽ có khả năng sát khuẩn hiệu quả và bảo vệ cho bạn khỏi virus.
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng nước rửa tay khô khi đi ra ngoài. Nên rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là sau khi bạn chạm vào đồ vật, kể cả điện thoại và máy tính xách tay.
-
Tránh chạm vào mặt
Virus SARS-CoV-2 hiện nay có thể tồn tại trên một số bề mặt với thời gian lên đến 72 giờ. Bạn có thể sẽ vô tình nhiễm phải virus SARS-CoV-2 khi tiếp xúc với tay nắm cửa, điện thoại, mặt bàn,…
Do đó, để được đảm bảo an toàn cho sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2, bạn cần tránh chạm tay vào mặt của mình và tránh cắn móng tay. Chỉ một lưu ý nhỏ nhưng có thể ngăn virus SARS-CoV-2 đi từ tay vào cơ thể của bạn.
-
Không bắt tay và ôm
Cụ thể, biến thể virus SARS-CoV-2 sẽ lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Khi người dương tính với virus SARS-CoV-2 ho, hắt hơi, hành động bắt tay có thể khiến những người xung quanh bị lây nhiễm.
Virus SARS-CoV-2 chủ yếu còn lây lan qua giọt bắn, do đó Bộ Y tế đã đề nghị người dân đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, đồng thời bạn nên hạn chế bắt tay và tiếp xúc với người khác trong khoảng cách 2m.
-
Không dùng chung đồ vật cá nhân
Nếu như bạn đang phải chăm sóc hoặc do đặc thù của công việc đòi hỏi phải tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19, đặc biệt lưu ý không dùng chung đồ vật cá nhân với người bệnh, như: bàn chải đánh răng, khăn tắm, đồ dùng hoặc thiết bị điện tử.
Hãy bạn sử dụng riêng biệt phòng tắm với người bệnh nếu có thể. Nếu không thể, bệnh nhân Covid-19 hãy đậy nắp bồn cầu trước khi xả nước.
-
Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi
Virus SARS-Cov-2 hiện được tìm thấy nhiều trong mũi và miệng. Điều này có nghĩa là virus gây bệnh Covid-19 có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường giọt bắn khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện với nhau. Virus còn có thể tồn tại trên các bề mặt lên đến 3 ngày.
Để có thể phòng bệnh hiệu quả và hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác, bạn hãy dùng khăn giấy khi ho, hắt hơi và rửa tay cẩn thận ngay sau đó.
-
Lau và khử trùng bề mặt
Vệ sinh nhà cửa, nơi ở thường xuyên giúp loại bỏ hầu hết virus gây bệnh Covid-19 bám trên các bề mặt. Thời gian và phương pháp vệ sinh các bề mặt trong nhà như sau:
- Vệ sinh sạch sẽ các bề mặt mà bạn thường xuyên chạm vào hàng ngày, đặc biệt là sau khi có khách đến thăm nhà, sử dụng cồn hoặc nước sát khuẩn chuyên dụng;
- Tập trung làm vệ sinh các bề mặt mà bạn thường hay chạm tay vào như: tay nắm cửa, bật công tắc đèn, bề mặt kệ để đồ;
- Làm sạch bề mặt khác trong khu vực nhà ở, khi bị bẩn hoặc khi cần thiết. Việc làm vệ sinh cần được tiến hành thường xuyên nếu trong nhà có người mắc bệnh Covid-19. Trong những trường hợp đó, bạn không chỉ cần làm sạch các bề mặt mà còn phải khử trùng toàn bộ ngôi nhà;
- Làm sạch các bề mặt bằng các chất lau rửa dùng trong nhà có chứa xà phòng hoặc thuốc tẩy.
-
Giãn cách xã hội theo quy định của Bộ Y tế
Giãn cách xã hội là một trong các phương pháp giúp bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của người dân. Bằng cách giữ khoảng cách giữa người với người tối thiểu 2m, gia đình với gia đình, cộng đồng với cộng đồng, giúp cho người dân đối phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cụ thể, ở các nhà máy, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động trong thời gian giãn cách, nhưng các chủ doanh nghiệp phải đảm bảo đày đủ các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc phải được giám sát, thực hiện chặt chẽ. Người dân chỉ nên ra ngoài khi thực sự cần thiết và đảm bảo khoảng cách 2m tối thiểu giữa người với người.
-
Không tụ tập nơi đông người
Số ca bệnh Covid-19 ngày càng tăng cao và thường ở mức cao tại địa điểm tổ chức sự kiện, các nơi tập trung đông người như: hội nghị, các nơi diễn ra hội chợ thương mại, lễ hội, buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao, hôn lễ hoặc các bữa tiệc lớn,… Hoặc cũng có thể bị phơi nhiễm bệnh trong suốt quá trình đi lại như tại sân bay, trạm xe buýt, ga tàu hỏa, phương tiện công cộng,… Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân không nên tụ tập nơi đông người khi không thật sự cần thiết.
-
Tránh ăn uống ở nơi đông người
Ăn uống tụ tập nơi đông người làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 do virus có khả năng bám trên các bề mặt của bát, đĩa, ly, bàn ghế… Ngoài ra, virus này còn có khả năng lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt bắn, nguy cơ lây truyền cao hơn khi bạn tập trung nơi đông người. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và nguy hiểm, người dân không nên ăn uống nơi đông người, nên mua thực phẩm chưa chế biến hoặc đồ ăn mang đi nhằm giữ an toàn cao nhất cho người dân.
-
Rửa sạch đồ tươi sống
Rửa sạch đồ tươi sống trước khi ăn hay chế biến. Theo như khuyến cáo của CDC và FDA, người dân không nên sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy để tẩy rửa dùng cho những thực phẩm tươi, trái cây, rau quả. Đừng quên rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm nhé.
-
Đeo khẩu trang
Trong danh sách những phương pháp phòng bệnh Covid-19, việc đeo khẩu trang 24/24 được xem là phương pháp đầu tiên và quan trọng nhất. Khẩu trang được khuyến nghị là một tấm chắn đơn giản và hiệu quả giúp ngăn ngừa giọt bắn từ đường hô hấp và không khí lây truyền cho những người khác khi người bệnh ho, hắt hơi và nói chuyện.
Tất cả người dân nên đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng, nơi đông người, những nơi khó duy trì các biện pháp giãn cách, hoặc khi có tiếp xúc gần với những người không sống cùng nhà.
-
Tự cách ly khi bị bệnh
Khi bạn có tiếp xúc gần với một người được biết hoặc đang nghi ngờ mắc bệnh Covid-19, cần phải chủ động hơn, tự cách ly để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan sang người khác trong trường hợp mắc bệnh. Hiện tại, bạn có thể cảm thấy khỏe, nhưng rất có thể bạn đã mang mầm bệnh Sars-Cov-2 trong người mà không hay biết.
Mọi người nên tự giác cách ly trong khoảng thời gian 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng đối với người được biết hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 và phải báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp và tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Sau khoảng thời gian cách ly, người bệnh sẽ được xét nghiệm một lần nữa để đảm bảo không bị mắc bệnh, không có khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.